Ông Mẫn nói như trên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), sáng 25/9. Đồng tình mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, song ông Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét đảm bảo tính khả thi, cân đối quỹ và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
"Người tham gia BHYT có thể được khám chữa trong toàn quốc, làm sao đến tỉnh nào, huyện nào có thẻ là có thể được khám, được thanh toán", ông Mẫn nói, đề nghị "lộ trình tiến tới làm sao cho đơn giản".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói tại phiên họp ngày 25/9. Ảnh: Media Quốc hội
Trên thực tế thời gian qua nhiều cử tri phản ánh bị gây khó dễ khi đi khám, chữa bệnh dùng thẻ BHYT. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhiều người do điều kiện học tập, công việc thường xuyên xa nhà, vì vậy họ cần được tạo điều kiện khám chữa ban đầu tại các cơ sở y tế không đăng ký BHYT.
"Việc này ngành y tế đã thực hiện, nhưng có chỗ này chỗ kia người dân phản ánh họ vẫn gặp vướng mắc, đề nghị Bộ Y tế, ngành bảo hiểm khắc phục", ông Định nói.
Ông cũng chỉ ra thực trạng đang khám, chữa bệnh thì thẻ BHYT hết hạn, muốn thanh toán phải làm lại thẻ, có người phải về lại nơi cư trú để thực hiện thủ tục. Ông Định đề nghị ngành y tế sớm chấn chỉnh, tăng cường thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử, nhất là thẻ BHYT điện tử.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội cho rằng chuyển bệnh nhân từ tuyến huyện lên tuyến trên chỉ áp dụng với một số nhóm kèm theo nhiều điều kiện cụ thể. Việc mở rộng chính sách như dự thảo Luật áp dụng khi chuyển người bệnh giữa các cơ sở, không chỉ là từ tuyến huyện lên tuyến trên, cần được cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động cụ thể về quyền lợi, tài chính, tính khả thi.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ tính chất chuyên môn đối với việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở y tế. Ngoài ra, ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá phạm vi được hưởng trong trường hợp cấp cứu ngoại viện, khám chữa từ xa đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận thủ tục chuyển tuyến còn gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, dự thảo bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Theo đó, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xã huyện đảo, được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở khác nơi đăng ký ban đầu.
Người bệnh được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo tỷ lệ quy định và không phải làm thủ tục chuyển tuyến nếu mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục của Bộ Y tế.
Luật hiện hành quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phải theo địa giới hành chính. Quy định này chưa tạo điều kiện để người dân khám chữa tại cơ sở ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh. Ngoài ra, người bệnh chưa được khám và điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mạn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc tương đương của tuyến trên, từ đó hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết.
Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 và thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Hết năm 2023, tổng quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng, trong đó 33.000 tỷ đồng kết dư trong thời kỳ dịch Covid-19. Như vậy, kết dư quỹ BHYT chủ yếu là do giảm chi trong 3 năm xảy ra dịch bệnh. Còn lại các năm khác hầu như đều âm, theo ông Thao.