Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với 13 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiều 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bão số 3 vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bão lũ cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô. Do đó, người đứng đầu Chính phủ mong ngân hàng đề xuất các chính sách mới phù hợp tình hình, doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại. Ông đề nghị các ngân hàng chia sẻ lúc đất nước khó khăn, đề xuất giải pháp hợp lý về tín dụng, lãi suất với tinh thần "cùng làm, cùng hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau".
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Theo ước tính, các địa phương chịu thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, khiến GDP năm nay giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. GRDP năm nay của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Đến nay, thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Một số địa phương có dư nợ thiệt hại lớn gồm Yên Bái chiếm hơn 18,5% tổng dư nợ của địa phương, theo sau là Hà Nội (khoảng 11%), Hải Phòng (10,7%), Hải Dương (8,6%), Quảng Ninh (7%)...
Những ngày qua, các nhà băng đã đưa ra một số chính sách ưu đãi giảm lãi suất vay 0,5-2% cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại sau bão.
Song, theo các đại biểu, hệ thống ngân hàng vẫn gặp khó liên quan tới nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản chưa hồi phục, ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh. Đặc biệt, thiên tai gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các nhà băng cũng khó khăn.
Nhất trí với chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng đại diện các nhà băng đề xuất Chính phủ có giải pháp để giảm áp lực vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Chẳng hạn, đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) mong Chính phủ thêm giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng đó, ông đề xuất Chính phủ chỉ đạo đẩy tiến độ duyệt điều chỉnh quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Tương tự, ông Kim Byoungho, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) đề nghị các bộ ngành, địa phương gỡ vướng về pháp lý, thủ tục để người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc này cũng giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Ngoài ra, ông Kim Byoungho đề nghị Ngân hàng Nhà nước giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực. Họ xin được triển khai lại các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20.000 tỷ đồng hồi 2023.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông tin tưởng các ngân hàng sẽ vượt qua mọi thách thức, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất các giải pháp liên quan đến khó khăn của các ngân hàng trước ngày 25/9.
Tổng tài sản của 28 ngân hàng thương mại cổ phần đến 30/6 đạt 9,3 triệu tỷ đồng, chiếm 45% thị phần. Có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần.
Nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng tư nhân khoảng 44.000 tỷ đồng. Nếu không tính 2 ngân hàng thương mại đang kiểm soát đặc biệt (Đông Á và SCB), mức này khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động tín dụng góp 76,1% vào tổng thu nhập này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng. Ngành ngân hàng phải tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen. Mặt khác, các nhà băng cũng phải giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, giảm chi phí giao dịch, thủ tục hành chính, "sân sau" và nợ xấu.
Thủ tướng nói ngành ngân hàng cần tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ, nhân lực, hạ tầng. Mục tiêu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Phương Dung